Tần số quét màn hình là gì?

Cập nhật ngày 10/11/2021
Lượt xem: 46

Bước sang thời đại công nghệ. Tần số quét dần dần trở thành một trong những thông số quan trọng khi chọn mua màn hình máy tính hoặc TV. Ngày nay, màn hình 144Hz thậm chí 240Hz đã trở nên rất phổ biến đối với người sử dụng và đặc biệt là cộng đồng game thủ. 

Tần số quét là gì ?

Nôm na có thể hiểu tần số quét là số lượng khung hình mà bạn nhận được từ màn hình trong vòng 1 giây và tính bằng đơn vị Hz. Ví dụ nếu như 1 màn hình có tần số quét khoảng 60Hz thì đồng nghĩa với nó sẽ hiển thị 60 khung hình trên giây. Chính vì thế nếu tần số quét càng cao thì chất lượng hình ảnh truyền tại sẽ càng chân thực, mượt mà và rõ nét hơn rất nhiều. Cũng như tần số quét thấp thì hình ảnh của bạn có thể bị nhòe đi, chuyện động không chân thực ( cảm giác như cứng ngắt hoặc giật lag ) và điển hình có thể dễ thấy nhất qua những pha chuyển động nhanh. Do đó có thể sẽ bị mất đi các chi tiết nhỏ trên ảnh hoặc không thể thấy rõ ràng và bắt nét chúng.

Những năm về trước khi thời đại công nghệ chưa phát triển hoàn toàn thì các hãng lớn mới chỉ có thể sản xuất những mẫu màn hình có tần số quét là 60Hz và 75Hz. Game thủ vẫn có thể trải nghiệm game ở mức 30FPS ( 30 khung hình trên giây ) mà không hề gặp vấn đề gì. Thế nhưng cho tới thời điểm hiện tại, khi mà các tựa game và card đồ họa phát triển nhanh tới chóng mặt. Điển hình là một số tựa game nổi tiếng và một số tựa game eSports như: Counter Strike : Global Offensive, Overwatch, Apex Legends…

Chính vì vậy nhu cầu của họ cũng trở nên "gắt gao" hơn. Từ Gaming Gears phục vụ thuận lợi cho trải nghiệm mượt mà như chuột, bàn phím, tai nghe… Cho tới thiết bị truyền tải hình ảnh phải sắc nét và chân thực, mượt mà nhất có thể. Và đó là lí do mà các màn hình có tần số quét cao ra đời. Đối với game thủ, tần số quét cố định là một vấn đề về hình ảnh được cập nhật ở những khoảng thời gian cố định (interval), còn bộ xử lí đồ họa (GPU) lại có thời gian dựng khung hình rất khác nhau, có lúc chậm lúc nhanh tuỳ theo chất lượng hình ảnh. Kết quả là hình ảnh cho mỗi khung hình phải thay đổi liên tục. Nếu một khung hình có tần số quét trung bình thì sẽ thấy hình ảnh bị răng cưa, đó là hậu quả của màn hình hiển thị một phần của khung hình cũ và một phần của khung hình mới. Răng cưa là ví dụ rõ ràng nhất khi gặp những khung hình chuyển động nhanh, và điều này khiến cộng đồng game thủ rất khó chịu. Do đó hiện nay, các hãng chuyên về Card màn hình rời đã phát triển rất nhiều công nghệ màn hình nhằm kết hợp với tần số quét để đem lại chất lượng tốt hơn. Một số công nghệ mới nhất hiện nay điển hình là G-Sync của NVIDIA và FreeSync của AMD.   

Vậy cứ mua màn hình có tần số quét cao trở lên là có thể trải nghiệm hình ảnh mượt mà hơn màn hình 60Hz không ?

Để có thể tận dụng được tính năng mà các màn hình có tần số quét cao mang lại thì điều đầu tiên mà ta cần phải hiểu đó là máy tính phải xử lý ổn định được mức FPS tương ứng với tần số quét của màn hình đó. Như vậy nếu như phần cứng máy tính của người dùng chỉ nằm ở mức tần số quét trung bình rồi lại tụt xuống thì việc trải nghiệm này hoàn toàn không được như mong đợi. Chính vì vậy để đạt được mức FPS ổn định trung bình hoặc lớn hơn tần số quét của màn hình thì ta sẽ cần đầu tư tới chiếc Card màn hình.

Tất nhiên với thời đại công nghệ hiện nay đang phát triển thì những chiếc Card đồ họa tầm trung cũng có thể chiến được các loại game FPS ( First Person Shooter ) và đạt đủ lượng khung hình trên giây theo đúng tần số quét màn hình chơi game hiện nay. Điều đó nghĩa là là bạn chỉ cần chọn loại Card màn hình phù hợp, không nhất thiết phải quá mạnh, quá đắt đỏ mà vẫn có thể trải nghiệm được hình ảnh mượt mà sắc nét mà màn hình gaming mang lại.  

Liệu có nhất thiết cần tần số quét cao?

Câu trả lời là có thể. Bởi với thời đại công nghệ phát triển tới mức chóng mặt thì việc trải nghiệm game mượt mà sẽ trở nên cần thiết hơn. Sẽ chẳng ai thoải mái khi đang chơi game với mức FPS thấp hoặc màn hình mang lại hình ảnh không như mong muốn.

Thế nhưng không phải tựa game nào cũng cần thiết để sử dụng những màn hình có tần số quét cao để đáp ứng nhu cầu của họ. Có thể ví dụ như những tựa game như League of Legends, Dota 2, Blade and Souls, The Witcher 3, Pikachu… thì việc có hình ảnh mượt mà với tần số quét cao gần như vô nghĩa ( có thể bạn sẽ cảm thấy mượt hơn nhưng điều đó không hề quan trọng với những tựa game này ).

Tuy rằng càng nhiều FPS càng tốt, nhưng đôi lúc bạn sẽ cảm thấy mất đi cái hay và hoành tráng của nó. Giống như khi xem phim vậy, hầu hết các bộ phim từ trước tới nay luôn luôn chiếu ở khoảng 24 cho đến 48 FPS mà thôi, nó tạo hiệu ứng và cảm giác "cinematic" hoặc "epic" đối với những tựa phim bom tấn, và tạo hiệu ứng "smooth" đối với những tựa phim hành động. Vì vậy câu hỏi cần phải thay đổi ở đây đó là: Bạn cần sử dụng màn hình vào mục đích gì?